Banner Ngày 28/4/2025

Đảm bảo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

 

Trong những năm gần đây, các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn… không đảm bảo chất lượng vẫn còn diễn ra.

 

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, cơ sở giáo dục thường được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo, kiểm soát ngày càng chặt chẽ. Mặc dù vậy, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn tại cơ sở giáo dục, nhất là an toàn thực phẩm đối với các quán hàng ăn vặt lưu động được bày bán trước cổng trường học. Ngoài ra, tại một số địa phương, các tổ chức, cá nhân tổ chức tặng miễn phí, phân phát các sản phẩm thực phẩm trong và ngoài khu vực nhà trường nhằm giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, do vậy nguy cơ sử dụng thực phẩm không an toàn nếu như không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với loại hình này.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo một số lưu ý như sau:

1. Đối với người chế biến thức ăn cho học sinh:

 - Chọn  thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi, rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.

- Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt trên 70°C.

- Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khoẻ.

-  Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 2 giờ cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 8°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

- Nấu lại thức ăn thật kỹ:  Các thức ăn chín dùng lại sau 2 giờ phải được đun kỹ lại.

- Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

-  Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn: Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.

- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng.

-  Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

        - Địa điểm kinh doanh phải cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm (nơi nhiều bụi bẩn, ẩm ướt, nắng nóng; gần bãi tập kết rác thải, nhà vệ sinh, cống rãnh; gần với nguồn xăng, dầu, sơn, hoá chất trừ sâu…; bày bán lẫn lộn với tạp chất, hoá chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm…)

        - Thực phẩm phải được bày bán trên bàn, giá, kệ hoặc phương tiện bảo đảm luôn được vệ sinh sạch sẽ và cách mặt đất ít nhất 60 cm.

        - Thực phẩm phải được bảo quản trong tủ hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh có màn che chắn, chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.

        - Có đủ nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

        - Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thưc phẩm theo quy định.

        - Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói, chứa đựng thức ăn bảo đảm vê ̣sinh.

        - Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.

        - Người bán hàng phải được chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định, không mắc các bệnh truyền nhiễm; phải mang trang phục gọn gàng, sạch sẽ, khi tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn thức uống phải sử dụng găng tay dùng một lần.

 

2. Đối với phụ huynh/học sinh để phòng ngộ độc thực phẩm, mỗi phụ huynh/học sinh chúng ta cần thực hiện các yêu cầu sau đây về vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn những thức ăn bị ôi thiu và hết hạn, không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc sản xuất.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cắt ngắn móng tay, không dùng tay để bốc và chia thức ăn.

- Kiểm tra bao gói: bánh, kẹo,… trước khi ăn, nên kiểm tra bao gói bên ngoài không bị rách, thủng, đồ ăn bên trong bị vỡ, dập, nát, không còn nguyên vẹn; Với những loại đồ uống đựng trong hộp có dấu hiệu phình to bất thường thì không nên uống.

        - Đọc nhãn sản phẩm: Cần đọc kỹ các thông tin cơ bản về sản phẩm: tên thực phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng của thực phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của hàng hoá. Thông thường, các loại đồ ăn, uống có in ngày, tháng, năm sản xuất phía trên và hạn sử dụng phía dưới để thuận tiện cho người tiêu dùng. Phải từ chối nhận, trả lại hoặc không sử dụng những món ăn, đồ uống đã quá hạn sử dụng.

        - Quan sát dấu hiệu bên ngoài của thực phẩm: Món ăn có đốm đen, đốm trắng, bề mặt ướt, chảy nước, bị nhớt… là những món có dấu hiệu bị hỏng, không nên sử dụng.

        - Cảnh giác với những thực phẩm có màu sắc sặc sỡ: Đồ ăn, uống dành cho trẻ em thường có màu sắc bắt mắt và hấp dẫn. Tuy nhiên, đây cũng tiềm ẩn những nguy cơ sử dụng chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu… không tốt cho sức khỏe. Nên hạn chế dùng những món ăn, đồ uống có nhiều màu sắc rực rỡ, những món có hương vị hấp dẫn do tẩm ướp chất phụ gia và hóa chất.

        - Đánh giá cảm quan trước khi ăn, uống: thức ăn, đồ uống có vị lạ, mùi hắc, chua. Khi uống sữa, nước trái cây đựng trong hộp kín, nên cắm ống hút, uống thử một ngụm nhỏ để nếm thử mùi vị. Nếu đồ uống có vị chua, lên men, mùi vị bất thường thì nên dừng ngay, không uống nữa.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời.

Chi cục ATVSTP tỉnh Sóc Trăng.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 7
Truy cập trong 7 ngày :42
Tổng lượt truy cập : 3,099